Chương 2: CHÚA GIÊSU TRỢ GIÚP TRÍ LÒNG CHÚNG TA

Đời sống của con người tân thời là một cuộc vật lộn liên lỷ. Nguyên nhân của nó không phải là hoàn cảnh. Bởi lẽ hàm thiếc bằng vàng không làm cho con ngựa chạy tốt hơn. Người có hoàn cảnh tốt nhất trong lịch sử là tông đồ Giuđa. Nhưng ông đã chết nhục nhã và xấu hổ. Cuộc vật lộn cũng không nằm ở chỗ người ta ngu dốt. Chẳng vậy, những người có học vị tiến sĩ là thánh hết. Thực tế đâu được như thế. Cuộc vật lộn cũng không nằm ở cá nhân mà thôi. Dĩ nhiên tội của mỗi người tăng cường mặc cảm của họ, nhưng một điều không chối cãi được là tất cả nhân loại đều cảm thấy sự chiến đấu trong tâm hồn mình. Và bởi vì sự căng thẳng không phải của riêng anh, tôi, hắn, cô ta, bà ta, cho nên con người ta phải thừa nhận rằng sự tranh đấu trong tâm hồn mình không có nguồn gốc cá nhân, phải nằm ở bản tính con người nói chung. Gốc của mọi bất ổn nằm ở nơi cá nhân và bản chất nhân loại chứ không riêng ở phía nào. Khoa tâm lý chủ trương mọi bất ổn đều có căn nguyên là sự thác loạn ở chính cá nhân mà thôi, sẽ thiếu sót nghiêm trọng về tính phổ quát của các bất ổn. Hết mọi sinh linh đều cảm thấy tâm hồn lo lắng bồn chồn thì giải thích riêng tư hay cá biệt không thể thỏa mãn đủ. Nó đòi hỏi một lời giải thích rộng lớn hơn. Nguyên nhân cá biệt chỉ là hậu qủa của nguyên nhân tự nhiên, cũng như tội cá nhân là hậu qủa của bản tính hư hỏng chung của loài người. Nói cách khác, cá nhân phạm tội vì bản tính tự nhiên của loài người đã phạm tội.

Bởi lẽ nguồn gốc thật sự của các vật lộn trong tâm hồn con người không nguyên chỉ ở cá nhân mà thôi, nhưng còn ở bản chất con người nữa. Cho nên phải khảo sát cặn kẽ bản chất nhân loại, yếu tố chung cho mọi người sinh ra trên hành tinh này. Có hai sự kiện nổi bật.

Thứ nhất, con người ta không phải là một thiên thần và cũng chẳng phải là quỷ sứ. Hắn là một hữu thể không hư hỏng hoàn toàn từ bản chất (như các thần học gia bắt đầu chủ trương từ bốn trăm năm trước) cũng không phải là thần thánh từ căn nguyên (như các triết gia tuyên truyền từ năm mươi năm trở lại đây). Đúng hơn, con người có một khát vọng về sự thiện; đồng thời nghiêng chiều về điều dữ. Điều dữ luôn thôi thúc hắn rời xa các lý tưởng. Hắn giống như một gã đàn ông lỡ chân rớt xuống giếng vì dại dột. Hắn biết mình không nên ở đáy giếng, nhưng bất lực không làm sao tự mình lên khỏi. Hoặc chúng ta thay đổi hình ảnh. Hắn giống như chiếc đồng hồ đứt giây thiều, cần người thợ từ bên ngoài sửa chữa, không thể tự điều chỉnh lấy mình. Anh ta sẽ phạm sai lầm nếu quá lạc quan bảo rằng thuyết tiến hóa cung cấp cho hắn sợi dây thiều khác. Mặt khác cũng sai lầm không kém khi quá bi quan cho rằng thế là toi đời, không sao sửa chữa được nữa. Thực tế con người là một tạo vật có thể phục hồi tiến trình sống tốt, nếu Thợ chế tạo đồng hồ thương tình sửa chữa.

Thứ hai, nỗi khắc khoải này có bộ mặt méo mó là vì người ta đã lạm dụng tự do. Giống như gã say rượu, gã say là vì hành động lựa chọn uống nhiều rượu của hắn. Cũng vậy bản tính nhân loại xem ra đã mất tính tốt lành nguyên thủy mà Thiên Chúa nhân hậu đã khấng ban cho, qua một hành động lựa chọn. Thánh Augustino viết: "Hiện trạng chúng ta là thể nào đi nữa, thì cũng không phải là vị trí mình phải có". Các thần học gia cổ điển cũng như tân thời hay so sánh nguồn gốc của các vận lộn này trong tâm linh người ta với âm nhạc. Xin tưởng tượng một ban nhạc giao hưởng trên sân khấu với một ông nhạc trưởng tài ba. Các nhạc công tự do chơi nhạc do ông nhạc trưởng sáng tác và điều khiển, bản giao hưởng rất hay, nhưng một nhạc công nổi loạn, cố tình chơi sai một nốt, rồi dụ dỗ các bạn cũng chơi sai như mình. Bản nhạc lúc này là một hỗn hợp các âm thanh chói tai, không êm đềm như trước nữa. Thấy vậy, ông nhạc trưởng có thể lựa chọn: Cho ban nhạc chơi lại trường canh, hoặc không lưu tâm đến nốt nghịch âm sai. Thế nào đi nữa thì đoạn nhạc hư đã đi vào không gian vũ trụ với tốc độ hơn ba trăm mét một giây. Cứ thế nó đi mãi tới vô tận, ảnh hưởng tới các hòa hợp vũ trụ dù nhỏ bé nhất, nó giống như viên đá ném xuống ao, gây nên làn sóng rộng mãi, rộng mãi tới bến bờ xa nhất, nốt nghịch âm này cũng lan tới các ngôi sao xa nhất trong bầu trời. Bao lâu còn thời gian, bấy lâu nó còn gây bất hòa trong vũ trụ của Thiên Chúa.

Làm thế nào để ngưng được nốt nghịch âm đó? Con người chẳng làm được, vì không có khả năng đuổi kịp! Thời gian không thể trôi ngược dòng, đã đi là mất. Con người lại dính chặt vào nơi chốn. Tuy nhiên nốt nghịch âm trên kia vẫn có thể nắm bắt được bằng quyền năng của Đấng tối cao, bước ra từ vô cùng đi vào thời gian. Ngài túm lấy nốt nhạc lạc điệu ấy, bắt nó ngừng trốn chạy, tuy nhiên nó vẫn là nghịch âm trong tay Chúa. Với quyền năng vô biên Ngài viết một hòa âm mới, bắt đầu từ nốt nhạc hư hỏng. Nó trở thành nốt thứ nhất và mọi sự đều lại hòa hợp êm tai.

Ngày xửa ngày xưa, trước cả khi có Oedipus và Electra, Thiên Chúa đã viết hoà âm tạo dựng. Khoáng chất, hoa lá, cỏ cây, súc vật đều tùng phục con người. Con người với các đam mê tùng phục lý trí, chịu sự chỉ đạo của lẽ phải. Và con người say mê Thiên Chúa, tức tình yêu vô biên. Thiên Chúa trao bản giao hưởng đó cho Adam, Evà để chơi với đầy đủ hướng dẫn, tới chi tiết cuối cùng để tránh sai lầm. Người đàn ông và vợ mình được tự do vâng theo hay chống lại hướng dẫn của Thiên Chúa để sản xuất hòa âm hay nghịch âm. Thằng qủi Satan gợi ý hai ông bà rằng Ông nhạc trưởng độc tài đã chỉ định trên bản nhạc phải chơi ra sao, chỗ được chơi, chỗ không và như vậy phá hủy tự do của hai người. Nhạc công phụ nữ là kẻ đầu tiên mắc mưu, gục ngã dưới ý nghĩ rằng tự do bị lề luật của ông nhạc trưởng hạn chế, cho nên bà đã vạch cung lạc điệu thứ nhất để khẳng định "tự do" của mình. Tư cách của nhạc công này chẳng đàn bà chút nào. Vì thói tục xưa nay phụ nữ vốn hay vâng lời. Sau đó bà ta quyến rũ chồng làm như vậy. Ông ta vì yêu vợ đã hành động không hợp với lý trí, vốn là đặc tính của đàn ông. Cứ như vậy cặp nọ bảo cặp kia làm cho nghịch âm nguyên thủy lan tràn khắp mặt đất. Bất cứ nơi đâu có đàn ông, đàn bà hợp tác với nhau, y như rằng có tội nguyên tổ, bởi mỗi bên đều thừa hưởng hậu quả của nghịch âm, trừ ra một người sẽ được sinh ra sau này theo lời hứa. Hậu quả của nghịch âm thậm chí còn ảnh hưởng đến cả vũ trụ vật chất. Gai góc mọc đầy đồng, muôn thú trở nên hoang dã. Giống như dòng suối bị ô nhiễm từ nguồn mạch, sẽ hôi thối suốt cả chiều dài của nó, thì tội lỗi của hai ông bà lan tràn khắp nhân loại.

Nốt nghịch âm nguyên thủy này, loài người tự thân không chặn lại được, nó vượt quá khả năng mình, bởi họ đã súc phạm đến nhạc trưởng có đặc tính vô biên. Họ đã mắc một món nợ không thể trả nổi. Chỉ có thể trả được bởi Đấng Vĩnh Hằng bước ra khỏi cõi đời đời mà vào thế gian. Nhưng giữa việc ông bà nổi loạn với việc bắt lấy nốt nhạc lạc loài có sự khác biệt rất lớn. Nốt nhạc chẳng có tự do, hai ông bà đều được Thiên Chúa ban cho tự do và Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của họ. Ngài luôn từ chối là một nhà độc tài phá hủy tự do của con người, để bãi bỏ sự dữ. Thiên Chúa có toàn quyền ngăn chặn nốt nhạc, nhưng Ngài không muốn ép buộc con người. Thay vì cưỡng bách, Ngài lại hỏi ý kiến loài người xem họ bằng lòng đăng ký làm nhạc công cho ban nhạc thiên cung lần nữa không?

Một thiên thần sáng láng bay khỏi thiên cung huy hoàng, xuống trần gian qua một cánh đồng miền Palestin gọi là Esdralon, tới một làng nhỏ Nazareth, vào nhà một trinh nữ tên là Maria. Bởi lẽ một phụ nữ đã không vâng lời, gảy cung nhạc sai, thì một phụ nữ khác có bổn phận sửa chữa, phụ nữ này không lây nhiễm tội lỗi nguyên tổ nhờ vào công nghiệp con bà sau này. Bà tham dự trước vào công nghiệp của con bà sẽ lập được trước tòa Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật xứng đáng Đấng là sự vô tội giáng trần qua một cửa ngõ xác thân tinh tuyền không ô nhiễm bởi tội lỗi chung. Đặc ân này của người trinh nữ được Giáo Hội gọi là Đầu thai vô nhiễm nguyên tội. Bởi lẽ một thiên thần sa ngã đã dụ dỗ người phụ nữ đầu tiên nổi loạn, thì nay Thiên Chúa gởi một thiên thần khác không sa ngã, Gabriel, đến dạm hỏi người đàn bà mới Maria xem bà có đồng ý cho Ngài một con trẻ không? Tức một nốt nhạc mới của nhân loại để Ngài viết bản hòa tấu mới. Con trẻ này phải thuộc nam giới, bằng không, Thiên Chúa không thể hành động nhân danh loài người. Điểm khác, trẻ ấy phải đứng ngoài dòng ô nhiễm của nhân loại. Sinh bởi một phụ nữ, ông ta thực sự là người sinh bởi một trinh nữ tinh tuyền, không hề lây nhiễm tội lỗi. Thiên thần cất tiếng hỏi trinh nữ xem cô có đồng ý làm một người mẹ. Bởi vì bất cứ sự sinh nở nào cũng đòi hỏi tình yêu, cho nên trong trường hợp của trinh nữ, ngọn lửa và đam mê của tình yêu là Đức Thánh Linh rợp bóng trên cô và người con mà cô sinh ra, chính là con Thiên Chúa, đồng thời là loài người. Tên của ngài là Giêsu, bởi vì ngài sẽ cứa thế giới loài người khỏi tội lỗi.

Đầu thai vô nhiễm và sinh nở khiết trinh là khởi đầu của dòng giống nhân loại mới, giống như cầu khoá trên một dòng kênh, nhưng cách đặc biệt hơn. Nếu con thuyền muốn vượt hai mực nước thì cần đến cầu khóa. Nó đang chạy ở mực nước thấp ô nhiễm và muốn vượt lên mực nước cao trong sạch, người ta phải cho nó đi vào một cầu khóa trên con kênh, có cửa đóng lại, sau đó cho nước cao chảy vào cầu khóa và nâng con thuyền lên, rồi lại mở cánh cửa phía trên để con thuyền tự do chạy trên mức nước mới, trong sạch, không hề mang theo một chút nước ô nhiễm của đoạn phía dưới. Sự kiện đầu thai vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria giống như đoạn kênh khóa đó, trong ý nghĩa qua mẹ nhân loại mới thoát được mức nước ô nhiễm của con cháu Adam, Evà mà bước lên chức vị làm con cái Thiên Chúa.

Khi đồ án này được trình lên cho Đức Maria trong một kế hoạch lớn nhất của tự do mà thế giới từng nghe biết đến, thì Đức Mẹ trả lời: Này tôi là tôi tớ Thiên Chúa, xin làm cho tôi như lời Ngài nói. Lập tức Thiên Chúa thực hiện chương trình. Ngài sai Ngôi Hai mặc lấy thân hình người phàm trong cung lòng thanh khiết của Đức Maria. Chín tháng sau Đấng đời đời thiết lập đầu cầu chiến đấu tại Bethlehem. Đấng Vĩnh Hằng xuất hiện trong thời gian, con chim xây tổ lại được ấp nở trong cái tổ mình xây, Đấng dựng lên thế giới lại sinh ra trong thế giới mà mình làm nên, nhưng thế giới đã không chấp nhận Ngài. Bởi vì là nhân loại, Ngài hành động như nhân loại, chiu trách nhiệm như một người. Vì là Thiên Chúa, mọi việc của Ngài với bản tính nhân loại, có giá trị vô cùng. Qua bản tính nhân loại vô tì tích của Ngài, Ngài chịu trách nhiệm về hết mọi tội lỗi của thế giới, đến mức độ mà lời lẽ mạnh mẽ của thánh Phao-lô gọi là "làm thành tội nhân". Giống như người anh cả giàu có gánh lấy nợ nần của người em phá sản, Chúa chúng ta cũng mang lấy những bất ổn, bất hòa, phạm thượng, kiêu căng, phản loạn và muôn vàn hình thức tội lỗi khác mà trở thành phạm nhân. Tựa như thỏi vàng bị ném vào lửa để gột rửa hết các vết nhơ, Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy xác phàm và chịu lửa tội lỗi thiêu đốt để tội lỗi chúng ta được tẩy sạch. Xin lại lần nữa thay đổi hình ảnh. Tại vì tội thì ở trong máu cho nên Ngài phải đổ hết máu ra để cứu chuộc loài người. Bởi vì không có đổ máu thì chẳng bao giờ được tha tội.

Lịch sử đầy rẫy những người tự xưng mình từ Thiên Chúa mà đến, thậm chí tự nhận là ông trời con hoặc giả sử, là thần của Thượng Đế như Đức Phật, Ma-Hô-Met, Khổng Tử, Lão Tử, Đức Kitô và hàng ngàn người khác, kể luôn các vị sáng lập tôn giáo mới cho đến hôm nay. Mỗi vị đều đòi quyền được thiên hạ lắng nghe và công nhận. Giống như cái thước đo đạc phải ở ngoài vật thể được đo, thì cũng cần có một vài tiêu chuẩn vững chắc để, mọi nền văn minh mọi thời đại xác định xem những kẻ đòi hỏi như trên có chính đáng hay không? Có hai loại tiêu chuẩn để kiểm tra: Lý trí và lịch sử. Lý trí bởi bất luận ai cũng có, ngay cả những người vô tín ngưỡng. Lịch sử bởi mọi người đều sống trong đó và có chút hiểu biết về nó.

Lý trí bảo rằng bất cứ ai trong những người này thực sự từ Thiên Chúa mà đến, thì điều tối thiểu Thiên Chúa làm, để ủng hộ đòi hỏi của ông ta là báo trước việc ông xuất hiện. Các xí nghiệp chế tạo xe hơi đều quảng cáo trước với khách hàng mẫu mã mới của chiếc xe. Nếu Thiên Chúa gởi ai đến trần gian hay chính Ngài thân hành đến với một thông điệp quan trọng cho thế gian, thì Ngài phải sai sứ giả đến trước để báo tin quan trọng đó, mới hợp lý. Sứ giả phải nói rõ thời gian và nơi chốn Ngài ngự giá, tiếp theo là nơi ở, giáo thuyết Ngài sẽ dạy, các thù địch chống đối, các dự kiến cho tương lai, và cách thức ngài khuất đi. Người ta sẽ căn cứ vào các sự kiện đó mà xét đoán đòi hỏi của ông ta xác thực hay không.

Lý trí còn bảo đảm rằng nếu Thiên Chúa không làm như vậy, thì chẳng lấy chi ngăn cản thiên hạ giả dạng Ngài mà tuyên bố bừa bãi trong lịch sử rằng "tôi đến từ Thiên Chúa" hoặc "một thiên sứ" xuất hiện với tôi trong sa mạc và ban cho tôi thông điệp này. Trong những tình huống như vậy, chẳng có cách nào khách quan, lịch sử để xác nghiệm người sứ giả đó. Chúng ta chỉ có bằng cứ duy nhất là lời ông ta. Và dĩ nhiên ông ta có thể nói không đúng sự thật.

Giả dụ có một vị khách đến thủ đô nước ta từ một quốc gia khác trên thế giới và ông cho biết mình là một nhà ngoại giao, đại sứ chẳng hạn, dĩ nhiên nước ta phải hỏi giấy tờ bằng chứng như thông hành, uỷ nhiệm thư v…v… để bảo đảm ông ta đại diện cho chính phủ nước đó. Các giấy tờ phải được ký trước ngày ông ta đến. Những chứng cứ như vậy là điều kiện cần thiết cho một phái bộ nước ngoài, thì nhất định phải có đối với nhửng sứ giả tuyên bố mình đến từ Đức Chúa Trời. Lý trí sẽ hỏi mỗi vị sứ giả "quí vị có những giấy tờ nào trước khi quí vị hạ sinh và đến đây?".

Với trắc nghiệm như vậy, chúng ta có thể đánh giá mỗi ứng cử viên (và ở bước đầu này, Chúa Giêsu không trổi vượt hơn các người khác). Triết gia Hy lạp Socrates, không có ai báo trước việc ông ta sinh ra. Đức Phật Thích Ca cũng không, ngay cả đối với sứ điệp của ngài cũng vậy. Chẳng ai biết trước khi nào ngài ngồi đắc đạo dưới cây bồ đề. Khổng Tử không có tên mẹ và ngày sinh tháng đẻ, không quê hương, không nơi chốn ghi sẵn ở sổ sách trước. Cũng không ai cho biết trước các tiểu vương quốc ông sẽ chu du để rằng người ta có thể đón ông như sứ giả của nhà trời. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì mọi sự khác hẳn. Bởi lẽ Cựu ước đã tiên báo trước, cho nên việc Ngài đến thế gian không phải là bất ngờ, không trông đợi. Trong lịch sử chẳng có lời báo trước về Đức Phật, về Khổng Tử, Lão Tử, Ma-Hô-Mét hoặc bất cứ ai sinh ra. Nhưng về Đức Kitô thì vô số. Những người khác đến thế gian rồi mới nói: "Ta đây, hãy tin Ta". Cho nên quí vị đó chỉ là phàm nhân, giữa muôn vàn phàm nhân và không phải là thần linh trong nhân loại. Chỉ một mình Chúa Giêsu đấng ra khỏi hàng ngũ đó mà nói: "Hãy lục lọi sách vở của người Do thái và lịch sử liên hệ của các đế quốc Babylon, Ba tư, Hy Lạp, Rôma", thì sẽ biết (lúc ấy, các sách vở dân ngoại và ngay cả Cựu Ước cũng chưa được coi như linh hứng, mà chỉ là tài liệu lịch sử mà thôi).

Đúng vậy các lời sấm trong Cựu ước chỉ được hiểu tốt nhất, dưới ánh sáng của các ứng nghiệm. Ngôn ngữ các tiên báo không có tính chính xác như toán học. Tuy nhiên khi chúng ta tìm hiểu vài đoạn văn Thiên sai trong Cựu ước và so sánh kết qủa với sứ vụ và đời sống Chúa Kitô, chúng ta chẳng thể khước từ tính chân thực của các tiên báo ấy về Chúa Giêsu và vương quốc Nước trời, Ngài sẽ thiết lập. Lời hứa của Thiên Chúa với các tổ phụ Do Thái rằng qua họ mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. Lời sấm về chi tộc Giuđa sẽ trổi vượt hơn các chi tộc Do Thái khác cho đến khi Đấng Cứu thế xuất hiện. Đấng muôn dân muôn nước qui phục. Một điều khác lạ nhưng không phủ nhận được nơi Kinh thánh bảy mươi. Các kỳ lão Do Thái dịch từ tiếng Do Thái cổ sang tiếng Hy Lạp tại thành phố Alexandria, Ai Cập đã tiên tri rõ ràng sự sinh nở đồng trinh của đấng Mêssia (Bản dịch viết là người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn, chứ không phải dòng dõi người nữ, như các bản dịch bây giờ). Lời sấm Isaia chương 33 về người tôi tớ chịu đau khổ dữ dằn, người tôi trung của Đức Chúa, người sẽ hy sinh mạng sống mình như một kẻ có lỗi, để đền thay các xúc phạm của dân. Lời sấm về vương triều nhà David vững bền, hiển hách, vinh quang mà chẳng ai ứng nghiệm nổi ngoài Chúa Giêsu. Xin chỉ nhìn về khía cạnh lịch sử, thì đây là điểm duy nhất mà Chúa Kitô đứng ra ngoài hàng các vị sáng lập tôn giáo trên thế giới. Và một khi các lời tiên báo này đã được ứng nghiệm trong ngôi vị Đức Giêsu Kitô, thì không những mọi lời tiên tri trong dân Do Thái chấm dứt mà cả lễ nghi hy tế phụng thờ cũng không còn nữa, lúc Con Chiên vượt qua đích thực bị sát tế trên đồi Calvario.

Một sự kiện nổi bật khác nữa, là lúc Ngài xuất hiện trên mặt đất, Ngài đã tác động mạnh mẽ vào lịch sử, chia nó ra làm đôi. Một, trước khi Ngài đến và hai, sau khi Ngài đến. Năm nay là 2005 năm sau khi Ngài đến. Đức phật Thích ca không làm được điều này, mặc dầu Đức phật sinh ra trước. Các triết gia lớn của Aán độ, Trung Hoa cũng vậy, Ngay cả những kẻ vô thần, từ chối Thiên Chúa cũng phải dùng ngày, tháng, năm, để ghi dấu các phát biểu tấn công Ngài. Thí dụ ngày x tháng y năm z hay bao năm sau Thiên Chúa Giáng sinh.

Bất cứ người nào đến thế gian này là đến để sống. Còn riêng Ngài, đến để mà chết. Chết là đá tảng vấp ngã đối với triết gia Socrates. Nó chấm dựt việc dạy dỗ của ông ta. Tuy nhiên, với Chúa Giêsu, chết là mục tiêu, là hoàn thành cuộc sống trần gian, là viên ngọc mà Ngài tìm kiếm. Chẳng có lời nói, việc làm của Ngài mang ý nghĩa nếu không liên hệ với thánh giá. Ngài bày tỏ mình như Đấng Cứu Thế hơn là thày dạy đơn giản. Dạy bảo người ta nên tốt chẳng ích lợi chi nếu không ban cho người ta khả năng để nên tốt, sau khi đã vạch rõ cho họ sự vô vọng của tội lỗi.

Câu truyện của đời người khởi sự lúc sinh ra và chấm dứt khi chết. Nhưng trong con người của đức Kitô ý nghĩ đầu tiên là cái chết và cuộc sống là cuối cùng. Kinh thánh mô tả Ngài là "Con chiên bị sát tế từ nguyên thủy của thế giới." Ngài đã bị giết trong ý định khi loài người phạm tội nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời. Như vậy chương trình của Thiên Chúa không nhấn mạnh vào việc Ngài sinh ra, giãi bóng trên dương gian, sau đó là cái chết. Nhưng ở sự kiện thánh giá trước và nó giãi bóng lui lại đến hang Belem. Ngài là người duy nhất trên thế giới sống ngược tiến trình tự nhiên của con người. Kiểu như loài hoa dại leo trên bức tường loang lỗ vẽ lên thiên nhiên cho các thi nhân mặc khách, hay một nguyên tử giải thích cho các khoa học gia hệ thống mặt trời. Sự kiện Ngài sinh ra giải nghĩa cây khổ hình. Ngài đi từ sự đã rồi đến sự đã rồi, từ lý do Ngài đến thế gian tỏ lộ trong ý nghĩa tên Giêsu hay Đấng Cứu thế, cho đến ứng nghiệm trọn vẹn của tên đó, bằng cái chết thập tự.

Thánh sử Gioan cho chúng ta biết lý lịch đời đời của Ngài trước khi xuống thế. Thánh Matthêu lý lịch thời gian qua các tổ phụ, tức bản gia phả cho đến Abraham. Xét trong bản gia phả này có rất nhiều nhân vật ngoại bang và tội lỗi, điều này có ý nghĩa đặc biệt, bởi những vết nhơ đó nói lên lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân và dân ngoại, họ cũng được hưởng phúc lành của giao ước. Sau này cả khía cạnh đó cũng được người ta dùng để tố cáo Ngài: "Hắn làm bạn với kẻ tội lỗi". "Hắn là một tên Samaritanô". Nhưng cái bóng của một qúa khứ nhơ bẩn tiên báo Ngài sẽ yêu mến những kẻ bất hạnh vì tội lỗi. Sinh ra bởi một người đàn bà, Ngài là một nam nhi và chung phần với mọi người trong nhân loại. Sinh ra bởi một trinh nữ, được Thánh Thần rợp bóng và đầy tràn ân phúc. Ngài đứng riêng ra khỏi dòng giống lỗi lầm mà các người khác phải lây nhiễm.

Sự sống thần linh từ đâu mà đến? Dĩ nhiên từ Thiên Chúa trong con người đức Giêsu Kitô, Con Đức Chúa Trời và là người thật. Sự thật xẩy ra như thế này. Trong đêm giá lạnh, bốn bề im phăng phắc, gió đông thổi vù vù qua đồi núi lọt xuống thung lũng làng Belem, lay động các bụi cây khô cằn, một trẻ sơ sinh cất tiếng khóc trong hang bò lừa để hoang, tiếng khóc lẻ loi và yếu ớt: "Ngôi lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta". Trái đất không nghe thấy tiếng khóc, bởi nó đang ngủ say. Nhân loại cũng không nghe thấy tiếng khóc, bởi nó chẳng biết rằng con trẻ đó sẽ vĩ đại hơn tất cả những ai sinh ra trên hành tinh này, đại dương cũng không nghe, bởi đã đầy tiếng gầm thét của riêng mình, vua chúa không nghe bởi họ chẳng ngờ rằng vua các vua lại sinh ra trong hang bò lừa, đế quốc không nghe bởi đế quốc chẳng biết rằng một bé thơ có thể cầm cương điều khiển vũ trụ trăng sao trong các vòng xoay vần của chúng. Nhưng mấy chú mục đồng, mấy nhà đạo sĩ nghe được tiếng kêu khóc, bởi chỉ những ai tâm hồn đơn sơ, những ai khôn ngoan, hiền triết mới biết rằng trái tim của một Đấng thần linh đang kêu gào trong tiếng khóc của một con trẻ. Họ đến với lễ vật tôn thờ Đấng uy nghiêm khôn sánh dưới hình hài một bé thơ yếu đuối trước mặt họ. Họ đến tôn kính Đấng quyền năng tuyệt đối đang nằm khóc oa oa như một bé sơ sinh. Họ đến bái lạy Đấng là ánh sáng chiếu soi vũ trụ, các tầng trời. Họ không thể cầm lòng, nhưng tung hô lớn tiếng "Emmanuel" Thượng Đế ở cùng nhân loại. Thiên Chúa mạc khải mình cho chúng ta lần nữa. Lần này Ngài chiếu sáng qua lăng kính nhập thể và mang sự sống thần linh xuống cho nhân loại. Đấng được sinh ra không mẹ trên trời nay sinh làm người không bố dưới trần gian. Đấng dựng nên đàn bà lại sinh ra bởi đàn bà, dựng nên xác thịt lại sinh hạ bởi xác thịt. "Con chim xây tổ lại được ấp nở trong tổ mình" Đấng dựng nên trăng sao lại sống dưới trăng sao. Đấng nặn nên trái đất lại sống trên địa cầu. Đấng khôn ngoan khôn dò khôn thấu lại là một em bé. Đấng làm đầy trời đất lại nằm trong máng cỏ. Đấng điều khiển các tinh cầu, lại nằm bú sữa mẹ. Đấng là nguồn vui thiên đàng lại oe oe khóc. Thiên Chúa trở thành tạo vật. Tạo hóa trở thành thụ tạo. Đấng giàu có vô cùng trở thành nghèo khổ. Thần Linh lại nhập thể, uy nghiêm khôn sánh trở thánh bề tôi, tự do trở nên nô lệ. Vĩnh hằng sống trong thời gian, thí chủ trở thành nô tỳ, sự thật trở thành bị cáo, thẩm phán bị xét xử, công lý bị dây thừng trói buộc, thượng vị đội triều thiên gai nhọn. Đấng Cứu Chuộc bị thương tích đầy mình, sự sống nằm chết cứng, "Ngôi Lời muôn thuở trở nên kẻ câm nín". Ôi, lạ lùng trên hết mọi lạ lùng, kỳ quan trên hết mọi kỳ quan, tổng hợp trên hết mọi tổng hợp. Ba mầu nhiệm liên kết thành một: Thần Linh và nhân loại, Trinh khiết và phong nhiêu, Đức tin và trái tim con người. Và mặc dù chúng ta sẽ sống kiếp vĩnh hằng, nhưng vĩnh hằng sẽ không dài đủ để chúng ta thấu hiểu màu nhiệm "một con trẻ lại là Cha, một bà mẹ lại là bé thơ".

Lần đầu tiên trong lịch sử cứu đôï, bản tính thần linh kết hợp với bản tính nhân loại trong một ngôi vị mà các nhà thần học gọi là Ngôi hiệp. Chính đời sống Thiên Chúa từ ngôi Cha truyền sang ngôi Con từ đời đời gọi là sinh sản vĩnh hằng trong ba ngôi Thiên Chúa, bây giờ giáng sinh xuống gian trần và mặc lấy một bản tính nhân loại giống như chúng ta, trao cho nó tràn đầy thần tính và khơi dậy nơi nhân loại tín thư vĩ đại của hy vọng: "Ta đến để cho anh em được sống, và sống viên mãn". Không phải sống đời thể lý vì nó sẽ chết, nhưng đời siêu nhiên, tồn tại mãi đến muôn đời. Chúa Kitô không thuộc về phạm trù tốt lành các thầy dạy khác của thế giới. Họ là những nhà mô phạm tốt, những hiền nhân quân tử. Người tốt lành không giả dối. Nhưng nếu Chúa Giêsu không đúng là những gì Ngài tự nhận về mình, tức là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là Ngôi Lời Nhập Thể, thì Ngài không phải là người tốt mà là một kẻ ngây ngô, một tên nói dối, một thằng hợm hĩnh và là kẻ lừa đảo gian manh đã từng sống trên hành tinh. Nếu Ngài không phải là những gì như Ngài nói là Đấng Kitô, Con Đức Chúa Trời, thì Ngài chính là tên phản kitô. Nếu Ngài chỉ là phàm nhân, thì Ngài chẳng xứng đáng mang danh một nhân vật tốt lành .

Nhưng thực tế, Ngài không đơn giản là một người. Ngài đòi hỏi chúng ta phải thờ phượng hoặc khinh rẻ mình. Khinh rẻ vì chỉ là phàm nhân, thờ phượng vì vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Đó là sự lựa chọn Ngài đưa ra cho nhân loại. Chúng ta còn phải xét đến những lời khẳng định Ngài nói về thần tính nữa, như đòi hỏi mọi người phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự, trên cả cha mẹ ruột. Tin tưởng vào Ngài bất chấp thiệt hại, sẵn sàng hy sinh tính mạng để liên kết với Ngài mà cứu lấy linh hồn mình, thì gọi Ngài là phàm nhân tốt lành chưa đủ. Bởi bỏ qua các sự kiện kể trên. Hơn nữa chẳng người nào tốt lành nếu không ăn ở khiêm tốn. Khiêm tốn là nhận thật về mình, không thêm, không bớt. Một linh hồn tự phụ quá đáng, coi mình lớn hơn tất cả thực tế thì không thể là khiêm nhường được, nhưng là một người điên khoác lác và phù phiếm. Làm thế nào một người tự nhận có đặc quyền tuyệt đối trên lương tâm, trên lịch sử, trên xã hội và cả trên thế giới, lại còn nói: "Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng?" Nhưng nếu ngài là Thượng Đế làm người, thì ngôn ngữ của Ngài là chính xác, và mọi sự Ngài nói đều dễ hiểu. Nếu Ngài không phải như Ngài nói, thì một số lời tuyên bố của Ngài chỉ là huênh hoang của một kẻ mang đầy ảo tưởng, không có giá trị nào, nó tương tự như từ miệng ma quỷ, chứ không phải từ thần trí của người tốt lành. Được ích chi nếu Ngài giảng dạy qui luật khổ chế, từ bỏ mình, rồi lại khước từ sự thật mà xưng mình là Thiên Chúa? Ngay cả sự hy sinh của Ngài trên thập giá sẽ trở nên biến cố đáng nghi ngờ, một sự kiện đã rồi khi nó đi song hành với ảo tưởng về sự vĩ đại và lừa lọc kinh khủng? Người ta sẽ chẳng thể gọi Ngài là một thầy giáo chân thành, bởi lẽ một nhà mô phạm thành thật chẳng khi nào cho phép thiên hạ lầm tưởng mình ngang hàng với Thượng Đế, đồng bản tính với Đấng Tối Cao ở trên trời.

Sự lựa chọn cho con người là giả thuyết: Ngài là một kẻ lừa đảo nguy hiểm hoặc những điều Ngài nói chân thật đến tận chữ đen, và như vậy, thiên hạ phải tin theo. Thật dễ mà tin rằng Thiên Chúa đã đạt tới mục tiêu trong những công việc kỳ lạ của Ngài, trong lòng thương xót của Ngài đối với người con yêu dấu, sống trên trái đất, hơn là nhắm mắt linh hồn lại không chấp nhận Chúa Giêsu trong lịch sử, để rồi rơi vào thất vọng ê chề. Này chẳng ai có thể tốt nếu bản chất hắn kiêu căng, tuyên bố những xác nhận phạm thượng về mình. Khi ấy hắn thay vì trổi vượt hơn các đồ đệ của mình, thiên hạ gọi là tín hữu, thì lại đứng xuống hàng chót, xa hơn cả kẻ tồi tệ nhất trong những tín hữu. Cho nên, người ta dễ hành xử khi tin vào những điều Ngài mạc khải về mình, Ta là Thiên Chúa, hơn là giải nghĩa làm thế nào thế giới lại có thể nhận một người khoác lác đáng khinh, một kẻ dối trá vô độ làm mẫu mực ? Lý do duy nhất giải thích hành tung loài người của Chúa Giêsu được bày tỏ nơi thần tính: Ngài là Đức Chúa Trời.

Chúng ta hoặc phải than phiền về sự điên rồ của Ngài hoặc thờ lạy Ngài hết lòng mà thôi, chứ không thể đứng trên quan điểm Ngài chỉ là một tôn sư dạy dỗ luân lý. Hay nói như tác giả Chesterton: "Bạn hãy trông đợi hoa cỏ héo tàn, chim trời đang bay rơi xuống chết tươi, khi một bác thợ mộc học nghề nhìn qua vai, mỏi mệt lặng lẽ và bất cần nhất: Trước khi Abraham hiện hữu đã có ta". Một sĩ quan La mã, kẻ đã từng trải sống chết nơi chiến trận và có thần linh riêng của mình trong buổi chiều thứ 6 chịu nạn phải bật thốt lên câu trả lời cho chân lý dưới chân thập giá: "Đúng thật, người này là con Thiên Chúa". Khi trí tuệ và lương tâm ông không thể từ chối lời khẳng định.

Điều mà người ta gọi là Nhập Thể thì chỉ là sự kết hợp giữa hai bản tính. Bản tính thần linh và bản tính nhân loại trong một ngôi vị duy nhất. Ngôi vị này điều hành cả hai bản tính. Điều này không khó hiểu lắm. Bởi lẽ con người là gì? Nó là một kiểu mẫu (ở mức độ thấp nhất) hợp nhất giữa linh hồn và xác thịt, vật chất và tinh thần, thân thể và tâm linh dưới sự chỉ huy duy nhất của nhân cách. Chẳng có sự gì xa cách nhau bằng khả năng và quyền lực của xác thịt, của tinh thần. Trước khi kết hợp nên một, khó mà quan niệm chúng lại có thể hòa hợp với nhau, nhất là ở giây phút linh hồn và thân xác làm thành một ngôi vị độc nhất. Nhưng sự sự hòa hợp của hai yếu tố đó là kinh nghiệm chẳng ai không biết tới. Tuy nhiên vì tính phổ thông của nó, chúng ta ít thấy kinh nghiệm đó là một kỳ quan.

Thiên Chúa Đấng làm cho thân xác, linh hồn kết hợp với nhau thành một nhận vật mà không để mất sự khác biệt của chúng, lại không thể kết hợp một linh hồn và xác với bản tính Thiên Chúa của mình dưới ngôi vị thần linh sao? Đó là điều Thánh Gioan viết: "Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng tôi" (Ga,14).

Ngôi vị đảm nhận nhân tính không phải là ngôi vị thụ tạo như chúng ta, ngôi vị ấy đã hiện hữu từ đời đời, gọi là Logos hay Ngôi Lời. Nhưng bản tính nhân loại của Ngài lấy từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố thụ thai lạ lùng do Chúa Thánh Thần rợp bóng và Đức Maria thưa lên lời xin vâng, nói cách khác sự đồng ý của một phụ nữ. Như vậy hai sự kiện pha trộn với nhau một cách diệu kỳ. Đây là khởi đầu của nhân loại mới, lập nên từ chất liệu của dòng giống hư hỏng. Khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, không có nghĩa là đã có sự gì đổi thay trong Ngôi Lời. Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế nhưng chẳng bao giờ lìa bỏ Thiên Chúa Cha. Điều xảy ra là Ngài đã đảm nhận một người phàm vào sự sống Thiên Chúa chứ không phải biến đổi Thiên Chúa thành người phàm.

Dòng giống sa ngã vẫn liên tục trong con người Đức Kitô lấy từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, nhưng ngôi vị Đức Kitô, Logos, hiện hữu từ muôn thuở bị gián đoạn trong biến cố "làm người". Do đó Đức Kitô thật là Ađam mới, qua Ngài nhân loại mới khởi sự hiện hữu. Lý thuyết của Ngài đặt trọng tâm vào ý tưởng nhân loại cũ phải tháp nhập vào thân thể của Ngài kiểu cách bản tính Ngài đã lấy từ cung lòng trinh nữ Maria được kết hiệp với Ngôi Hai Thiên Chúa.

Thật khó cho chúng ta hiểu được đức khiêm tốn của Ngôi Hai xuống thế làm người. Nó vô cùng cao cả và thẳm sâu. Xin tưởng tượng, nếu như có thể được, một người nào đó lột bỏ thân xác, rồi nhập vào một con rắn, bây giờ xác của ông ta là rắn, còn linh hồn là "người" với đầy đủ tài năng của một đơn vị người. Ông ta sẽ hành xử ra sao? Trí tuệ là của người, thân xác là con rắn với các giới hạn của loài mãng xà. Lúc này lòng khiêm nhường lớn gấp đôi. Thứ nhất chấp nhận các giới hạn của thân thể họ hàng nhà rắn, nhưng đồng thời trí khôn lại trội vượt hơn nhiều. Làm thế nào mấy cái răng nanh của loài rắn có thể diễn tả cân xứng những tư tưởng mà nhà rắn không có? Thật khốn đốn cho anh ta muốn nói một lời yêu thương với vợ con mà không được. Thứ hai, anh ta bắt buộc phải sống với bạn bè loài rắn, bởi đã bằng lòng trút bỏ vinh quang loài người mà mặc lấy thân xác loài mãng xà. Nhưng so sánh như thế chẳng thấm thía vào đâu với Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa vô biên để mặc lấy thân hình tội nhân, chấp nhập tất cả những giới hạn của nhân loại, như đói khát, nhục nhã, nhọc nhằn, bách hại. Chẳng phải là điều vặt vĩnh khi sự khôn ngoan vô biên của Thiên Chúa tự kết án mình làm bạn với những ngư nhân ngu dốt ở bờ biển hồ Giênêsaret. Tuy nhiên, lòng khiêm tốn này đã khởi sự từ Nazareth khi ngài thụ thai trong lòng trinh nữ Maria, chỉ một trong muôn vàn phản ứng chống lại tính kiêu căng của con người. Vậy, nếu không có thánh giá, thì chẳng có hang đá, nếu không có đanh sắt, cũng không có rơm khô sưởi ấm. Và nếu Ngài không dạy dỗ bài học thập tự như cái giá phải trả để đền bù tội lỗi, thì Ngài phải chuốc lấy nó. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã không tha cho chính Con Một của mình. Đó là điều bí mật gói trong chiếc tã ở hang chiên lừa.

Một trong các đường lối tạo nên kẻ thù và người chống đối, là thách thức tinh thần của thế gian. Mỗi thời đại đều có một tinh thần. Tinh thần đó như sau: Người ta chấp nhận giả định chung, não trạng chung không cần xét đoán. Giả định hay não trạng chung này điều khiển xã hội, điều khiển mỗi người. Nếu ai đó thách thức các châm ngôn của nó. Lập tức gặp chống đối, loại trừ. Bởi những châm ngôn đó nói lên một điều người ta trân trọng, yêu mến. Thí dụ "bạn chỉ sống có một lần, không ăn cũng thiệt, không chơi cũng hoài, chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng sộc nó thì theo sau. Bạn đã chiêm nghiệm điều đó chưa? Tính dục để làm chi nếu không là để thỏa mãn thân xác?".

Chúa chúng ta khi ra giảng đạo, lời đầu tiên của Ngài là tám mối phúc thật. Ngài tóm lấy tám khẩu hiệu viển vông của thế giới: An toàn, trả đũa, cười cợt, nổi tiếng, tính dục, cân đối, vũ lực và êm ái dễ chịu, lật ngược lại mà thách thức thế gian. Với những ai nói: "Bạn chẳng thể hạnh phúc nếu không gắng sức trở nên giàu có". Chúa bảo: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó". Với những ai nói: "Đừng để xổng, hắn phải trả đũa cho bằng được". Chúa bảo: "Phúc cho những kẻ hiền lành". Với những ai tuyên bố: "Cười đi, thiên hạ sẽ cười với anh". Chúa trả lời: "Phúc cho những ai bây giờ khóc lóc". Với những ai chủ trương "thiên nhiên ban tặng tính dục, tại sao người ta không sử dụng tự do? Kiềm chế sẽ làm bạn điên khùng?" Chúa bảo: "Phúc cho những ai có lòng thanh sạch". Với những kẻ tìm kiếm danh vọng, tiếng tăm Chúa khuyên nhủ: "Phúc cho anh em, khi người ta bắt bớ, hành hạ anh em, vu khống cho anh em đủ điều xấu xa vì danh thầy". Với những ai tuyên bố: "Trong lúc yên ổn hãy chuẩn bị chiến tranh". Ngài nói: "Phúc cho những tấm lòng xây dựng hòa bình".

Những chất liệu sáo rỗng, rẻ tiền mà người ta đưa vào tiểu thuyết, phim ảnh, Ngài kinh tởm. Ngài đề nghị đốt sạch những thứ thiên hạ sùng bái, Ngài đề nghị chiến thắng bản năng dâm ô thay vì để nó nô lệ con người, Ngài khuyến khích thuần hóa con vật tinh tế đừng để nó lừa dối thiên hạ chạy theo hạnh phúc vật chất, tiền tài danh vọng những thứ lạ lẫm với linh hồn. Tất cả những hạnh phúc giả hiệu đặt kỳ vọng vào cái tôi ích kỉ, vào khẳng định kiêu căng, vào buông thả hoang đàng, vào vui thú xác thịt, vào ăn uống, làm tình, vì ngày mai bạn sẽ chết. Ngài đều khinh vì nó làm cho tâm trí con người hỗn loạn, lo lắng, bất hạnh, hy vọng hão.

Then chốt của bài giảng trên núi nằm ở hai lối diễn tả: Một là: "Các ngươi đã từng nghe". Lời thứ hai ngắn hơn "Nhưng" mạnh mẽ và đầy uy quyền: "Các người từng nghe lề luật dạy ….Nhưng Ta bảo các ngươi". "Ta" ở trên lề luật, "Ta" vươn tới từng hàng nhiều thế kỷ trước lúc con người biết "nghe" và mãi mãi về sau. Khi con người sẽ còn nghe từ các nhà cải cách luân lý, tính cả các luật lệ, các lệnh truyền, các giới răn, các pháp lệnh, các tục lệ, truyền thống, bản năng, nửa lẽ phải, nửa thói quen, nửa lý tưởng. Khi Ngài nói: "Các ngươi từng nghe", Ngài gồm luôn lề luật Môisen, Phật Thích Ca với bát quái của ông. Khổng Tử với học thuyết quân thần, Aristote với hạnh phúc tự nhiên. Đường thênh thang của đạo Hin Đu, và hết thảy các nhóm nhân bản ngày nay. Nhóm triết gia khai thác vài tư tưởng cũ rích trong ngôn ngữ riêng của họ, rồi gọi là lối sống văn minh tân thời để lòe thiên hạ. Về tất cả mớ bòng bong các thỏa hiệp này, Ngài nói: "Các ngươi đã từng nghe".

Các ngươi đã từng nghe dạy rằng: "Không được ngoại tình." Môi Sen nói thế, các bộ lạc man rợ đề nghị như vậy, các người trong xã hội mông muội tôn trọng điều dạy đó. Rồi đến lối diễn tả "nhưng" dễ sợ và uy quyền: Nhưng ta bảo các ngươi: "Hễ ai nhìn phụ nữ với ý nghĩ phạm tội với cô ta, thì đã ngoại tình ở trong lòng rồi". Chúa Giêsu đi vào tận tâm hồn và chận lại ngay từ tư tưởng, gán cho ước muốn phạm tội là tội lỗi rồi, không cần đợi tới hành động, thực hiện một điều sai trái, thì dự tính trong đầu óc về điều đó đã là sai trái rồi. Cho nên Ngài tuyên bố: "Ích chi đôi bàn tay thanh sạch khi vừa ăn cắp? Ích chi thân thể thơm tho khi vừa vấy nhơ với người khác?" Ngài không đợi cho cây xấu sinh hoa kết quả xấu, Ngài ngăn chặn ngay cả việc gieo hạt xấu. Đừng đợi cho đến khi tội lỗi thầm kín lộ ra như các bệnh thần kinh, thác loạn, dồn ép, tâm lý. Hãy tẩy sạch chúng từ gốc rễ. Hãy thống hối, ăn năn, gội rửa. Điều ác mà đợi thống kê, nhốt tù, xiềng xích thì đã quá muộn .

Chúa Kitô xác nhận rằng, khi người đàn ông kết hôn với một người phụ nữ, hắn kết hôn với cô ta cả tâm hồn lẫn xác thịt, hắn làm bạn với một người trọn vẹn. Nếu hắn nhàm chán thân xác cô ta, hắn không thể ném cái thân xác ấy đi để đổi lấy người khác. Bởi lẽ hắn còn chịu trách nhiệm về linh hồn cô ta. Cho nên Ngài đã nói như sấm sét: "Các người đã từng nghe". Trong lời ấy Ngài tóm lược tất cả các khẩu hiệu khó hiểu của các nền văn minh thối nát. Các người đã từng mang nhau ra tòa ly dị, vì Thiên Chúa chẳng ép uổng ai sống không hạnh phúc. Rồi đến từ "nhưng". Nhưng ta bảo thật các ngươi: "Người đàn ông nào bỏ vợ thì đẩy cô ta đến chỗ ngoại tình, và ai cưới người đàn bà bị ruồng bỏ, thì cũng phạm tội ngoại tình nữa" (Mt5,32).

Nếu thân xác không còn, chẳng quan trọng chi. Điều quan trọng là linh hồn còn đó: Linh hồn đáng giá hơn thân xác bội phần, đáng giá hơn cả những khoái lạc mà thân xác có khả năng cống hiến, đáng giá hơn vũ trụ càn khôn. Ngài nhất quyết giữ gìn đàn ông đàn bà tinh tuyền, không phải ô nhiễm vệ sinh thường thức, nhưng khỏi khát khao bất chính thân thể của nhau. Thử tưởng tượng xem còn gì ghê gớm hơn phản bội nhau tàn ác. Vì vậy Ngài tuyên bố: "Điều chi Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân rẽ" (Mc10,3) không quyền bính nào, thẩm phán, quốc gia hay quốc tế nào!

Vì vậy bài giảng trên núi, quả mâu thuẫn với mọi giá trị mà thế giới ấp ủ. Thế giới sẽ đóng đinh những kẻ nào nói ngược với nó. Bởi lẽ Đức Kitô đã rao giảng bát phúc. Ngài phải chết vì bát phúc. Ngọn đồi Calvario là cái giá mà Ngài trả cho bài giảng của mình. chỉ những người tầm thường mới được sống, người xuất chúng sớm muộn sẽ bị loại trừ . Những ai gọi đen là đen và trắng là trắng sẽ bị thiên hạ kết tội bất khoan dung. Chỉ những kẻ nói "xám" mới để cho được sống.

Bát phúc không đứng một mình, chúng không phải là các lý tưởng người ta ấp ủ. Chúng là những thực tại, và sự kiện, không tách rời khỏi Thánh Giá trên ngọn đồi Canvê. Điều Ngài dạy trong bát phúc không phải lý thuyết, nó là tự hủy diệt mình, tự đóng đinh mình vào thập tự. Yêu kẻ ghét mình, móc mắt quăng đi, chặt bỏ chân tay để ngăn cản phạm tội, tâm hồn trong trắng khi các dục vọng kêu gào thoả mãn, tha thứ cho kẻ giết hại mình, lấy tốt thắng sự dữ, chúc phúc cho những ai nguyền rủa mình, câm miệng đòi hỏi tự do cho đến khi có công lý. Sự thật và tình yêu Chúa trong lòng mọi người là điều kiện cốt yếu của tự do, sống giữa thế gian bẩn thỉu mà không lây nhiễm, từ chối bản thân những vui thỏa chính đáng để gội rửa ích kỉ, tất cả những nội dung đó là kết án con người cũ trong chúng ta xuống mồ.

Những ai lắng nghe Ngài rao giảng tám mối phúc thật được mời gọi căng mình trên cây gỗ, để tìm ra hạnh phúc trên bình diện cao hơn, bằng cái chết cho trật tự thấp hèn, khinh chê mọi sự mà thế gian tôn thờ, trân trọng những giá trị mà thiên hạ coi là viển vông. Thiên đàng là hạnh phúc, nhưng có hai thiên đàng một lúc thì con người làm sao trả giá cho nổi? Một thiên đàng trần thế và một trên trời chắc chắn không ai kham nổi. Vì vậy Chúa chúng ta lập tức thêm bốn điều khốn: Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các người sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế (Lc 6, 24-26).

Hành hình thập giá không còn xa lắm khi Tôn sư tuyên bố những cái khốn cho những kẻ giàu sang, no thỏa, vui cười và quyền thế tiếng tăm. Sự thật không chỉ ở trong bài giảng trên núi. Nó nổi bật trong những ai dám sống nội dung bát phúc, từ đây cho đến ngọn đồi Canvê. Bốn cái khốn sẽ chỉ là kết án luân lý suông, nếu Ngài không chết nhục nhã trong mâu thuẫn với bốn cái "khốn" đó: nghèo nàn, cô đơn, đau đớn và bị chế giễu, khinh bỉ. Ở núi bát phúc Ngài mời gọi nhân loại xả thân trên thập giá, từ bỏ mình. Ở đỉnh đồi Canvê, chính Ngài đã ẵm lấy thập giá đó. Cái bóng của cây thập giá có lẽ đã không đổ trên núi sọ ba năm sau, nếu nó đã không có mặt ở trong trái tim Ngài, hôm Ngài dạy người ta làm thế nào để được hạnh phúc.

Giống như tính dục là một bản năng Chúa ban để kéo dài nòi giống loài người, thì khao khát tài sản là để kéo dài đời sống cá nhân. Nó là quyền tự nhiên và chính đáng được luật thiên nhiên bảo đảm. Một người được tự do bên trong khi hắn nói được linh hồn là của mình. Tự do nội tại đặt nền tảng trên sự kiện "tôi là". Tự do ngoại tại đặt căn bản trên sự kiện "tôi có". Nhưng thái quá về thể xác sinh ra dâm ô, dâm ô là tính dục sai chỗ. Bẩn thỉu là vật chất ở không đúng chỗ của nó. Cũng vậy ước ao tài sản quá mức sẽ nẩy sinh tính nết tham lam, hà tiện, bóc lột và xâm lược tư bản.

Để sửa chữa, đền bù, gội rửa những quá đáng về keo kiệt, ích kỷ thì Chúa Giêsu đã ban bài học hy sinh hãm mình. Cơ hội là một thanh niên hỏi Ngài về đàng lành. Ngài có dịp may được lợi hắn như một bông hoa đẹp, nhưng khi Ngài nói tới thánh giá, Ngài đành để mất anh ta. Người thanh niên muốn trả một cái giá, nhưng Ngài đề nghị giá quá đắt đỏ, anh ta không muốn trả. Người thanh niên là một viên chức tôn giáo giàu có. Khát vọng của anh ta được liên kết với Chúa, tỏ lộ trong sự kiện anh ta chạy đến quì xuống trước mặt Chúa và xét về mặt ngay thẳng, không ai dám nghi ngờ về người thanh niên này. Câu hỏi anh đặt ra cho Chúa Giêsu là "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời ?" (Mt 19,16)". "Tại sao anh gọi tôi là nhân lành? Chẳng ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa" (Mc10,18).

Chúa chúng ta không phản đối anh ta gọi Ngài là nhân lành, nhưng chưa đủ. Nhân lành mà thôi vẫn chưa đủ, vì chỉ là một người phàm, một tôn sư tốt. Người thanh niên coi Chúa trong địa vị ấy thật chưa xứng đáng. Anh ta công nhận sự tốt lành của Chúa, nhưng vẫn trên bình diện loài người. Nếu Ngài chỉ là phàm nhân, thì danh hiệu tốt lành từ bản tính chưa thuộc về Ngài. Cho nên trong lời vặn lại của Chúa Giêsu chứa đựng một sự thật giấu ẩn. Sự thật đó là thần tính của Ngài. Duy một mình Thiên Chúa tốt lành mà thôi. Do đó Ngài mời gọi người thanh niên thờ lạy thần tính mà kêu to lên rằng: "Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống."

Khi người thanh niên hỏi: "Tôi còn thiếu gì nữa không?" (Mt19,20) Chúa Giêsu trả lời: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy trở về nhà bán hết tài sản của anh và đem phân phát cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời. Rồi hãy đến mà theo tôi" (Mt 19, 21). Để hiểu rõ câu này, chúng ta đừng có ý tưởng Chúa kết án sự giàu sang ở đây. Nhưng có một trật tự hoàn hảo hơn trật tự nhân loại. Như một người có thể rời bỏ gia đình, vợ con, thì cũng có thể từ bỏ của cải, tài sản. Thánh giá đòi hỏi người ta khước từ những thứ mình yêu quí nhất, và bằng lòng với kho tàng ở trong tay Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Chúa Giêsu yêu cầu hy sinh đến như vậy? Xét xem, Chúa cho phép ông Giakêu, người thu thuế, giữ lại nửa phần gia tài của mình, ông Giuse thành Arimathia, sau khi Chúa chịu đóng đinh chết trên thập giá, lại được mô tả là người giàu có. Tài sản của vợ chồng Anania là của riêng họ. Chúa từng ăn uống, nghỉ ngơi trong những gia đình, bạn bè giàu sang của mình ở Betania. Nhưng ở đây vấn đề là câu hỏi của người thanh niên ước ao nên trọn lành còn thiếu thốn gì nữa trong nếp sống đạo đức của mình? Chúa đề nghị đường lối bình thường của ơn cứu độ, người thanh niên không thỏa mãn. Anh ta tìm hiểu điều chi hoàn hảo hơn. Nhưng khi Ngài đưa ra con đường từ bỏ người thanh niên không chấp nhận, quay gót bước đi. Phúc âm kể: "Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải" (Mt19,22). Như vậy có nhiều mức độ yêu mến Chúa. Một mức độ bình thường, mức độ khác anh hùng. Mức độ anh hùng là từ bỏ, vác thánh giá khó nghèo tự nguyện. Lòng nhiệt thành của tuổi trẻ tan biến, anh ta giữ lại tài sản của mình, nhưng anh đã để mất Đấng ban cho anh thánh giá quí báu. Mặc dầu anh được giữ của cải, nhưng Phúc âm nói: anh bỏ đi "rầu rĩ". Khi người thanh niên đi rồi, Chúa Giêsu quay lại nói với các tông đồ: "Những người giàu có vào nước Đức Chúa Trời khó biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước trời" (Mt10,23-25).

Thói thường nhiều cá nhân chối bỏ trách nhiệm về những lỗi lầm và thất bại của tập thể. Thí dụ, khi xảy ra thối nát trong chính phủ, cá nhân thường từ chối không dính líu, họ càng vô tội, càng khước từ dính dáng tới những ai phạm tội. Họ tự nhận trách nhiệm của mình tỷ lệ thuận với tình trạng vô tội của họ. Lý lẽ họ đưa ra là mình không có trách nhiệm về những lầm lỗi của xã hội, do đó mình không dính líu vào sự việc.

Nhưng thực tế, điều ngược lại mới đúng nơi những linh hồn vô tội nhất. Càng vô tội, lại càng cảm nghiệm trách nhiệm và liên đới với tội lỗi. Người tốt lành thực sự cảm thấy rằng sở dĩ thực trạng thế giới như hiện thời, là vì phần nào đó mình không tốt hơn nữa. Càng nhạy cảm về luân lý, càng thương hại những ai đang kiệt quệ vì gánh nặng luân lý: Điều này có khả năng trở nên sâu sắc đến độ cơn đau khổ hấp hối của kẻ khác được đương sự nhận lấy như của mình. Trên thế giới chỉ những người nào có đôi mắt sáng để nhìn, mới muốn thành cây gậy cho kẻ mù lòa, chỉ những người có sức khỏe dồi dào mới tự nguyện săn sóc bệnh nhân.

Những chi đúng đối với đau đớn phần xác, thì cũng đúng đối với những sự dữ tinh thần. Bởi lẽ, Đức Kitô vô tội cho nên Ngài đã gánh lấy những hư hỏng của thế giới. Giống như người càng mạnh khoẻ, càng có khả năng phục vụ các bệnh nhân. Cũng vậy càng thanh sạch, càng có thể đền thay cho lỗi lầm của kẻ khác. Nếu có thể được, người yêu mến sẽ lãnh lấy những đau khổ của kẻ mình yêu. Thiên Chúa làm người đã bằng lòng gánh lấy các hư hỏng của thế gian như thể của chính mình. Vì là người, Ngài chia sẻ lỗi lầm nhân loại, vì là Thiên Chúa Ngài cứu chuộc thế gian khỏi tội lỗi .

Núi Canvê không gián đoạn nếp sinh hoạt của Ngài. Nó cũng không phá hỏng quá sớm, quá thảm hại chương trình của Ngài. Không âm mưu đen tối nào có thể áp đặt lên Ngài. Ngài hiến mạng sống mình là để làm mẫu mực cho bậc tử đạo vì lẽ công chính, cho các tổ phụ vì lẽ hiển vinh. Ngài đã từng tuyên bố mục tiêu của đời mình là để trả giá cho nhân loại thoát vòng nô lệ tội lỗi. Đây là "bổn phận" siêu nhiên mà Ngài đã nhận lấy khi xuống thế làm người. Cái chết của ngài là để đền bù tội lỗi người thế gian. Nếu như nhân loại chỉ sai lầm mà thôi, thì Ngài chỉ cần làm một tôn sư dạy dỗ cho người ta khỏi sai lầm, Ngài có thể an hưởng tiện nghi của thế gian và chết thoải mái trên giường êm ái, chẳng việc chi phải vất vả, tủi nhục, chống đối với biết bao kẻ thù tầm cỡ. Nhưng Ngài chẳng để lại thông điệp nào cho nhân loại ngoài vài điều răn cho thiên hạ tuân giữ. Nhưng nếu nhân loại đang mắc vòng tội lỗi, thì Ngài phải là Đấng Cứu Chuộc của họ vì sứ điệp của Ngài là: "Hãy theo tôi", để có thể chia sẻ thành quả của công trình cứu độ.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều nghe theo Chúa Kitô, ánh sáng thế gian. Cũng không phải vì thế mà nói rằng nhân loại khởi sự ghét ánh sáng một cách ý thức. Bởi vì sự thật là nhu cầu tự nhiên của trí tuệ, cũng như ánh sáng là cần thiết cho đôi mắt. Nhưng khi ánh sáng chiếu soi các tâm hồn và tỏ lộ tội lỗi của họ ra. Họ cảm thấy tức tối và ghét bỏ ánh sáng. Đúng như các tay ăn trộm gớm ghét tia sáng của những chiếc đèn soi cảnh sát nhắm vào họ. Chân lý mà Ngài mang đến thế gian, đáng thế gian yêu mến nó, về phe với nó, bởi vì thế gian đã được dựng nên để tiếp nhận sự thật. Nhưng thế gian đã làm hư hỏng bản tính bằng tội lỗi và các hành vi xấu xa của mình. Sự thật của Chúa Giêsu khuấy động lương tâm họ, cho nên họ chê ghét nó. Tất cả con người họ cùng với các thói xấu, đam mê nhục dục, bản chất bất lương đồng loạt nổi dạy chống đối ánh sáng của Chúa, bất chấp lương tâm cắn rứt. Giống như nhiều người mang những căn bệnh nặng, nhưng từ chối đi nhờ thầy thuốc khám, vì sợ họ nói cho hay những điều mình chẳng muốn nghe. Ngài nói với họ mình không phải là tôn sư đi kiếm tìm vài học trò để nhờ những người này đọc lại các giáo huấn của mình như vẹt. Ngài là Đấng Cứu Thế trước là thức tỉnh lương tâm thế gian, sau là thanh tẩy các lương tâm ấy. Ánh sáng không phải là một mối lợi, trừ phi đối với những ai có thiện tâm. Ngài nói sự có mặt của Ngài là mối đe dọa cho những kẻ yêu mến xác thịt, tiền bạc và dâm ô. Khi một người đã sống nhiều năm trong một cái hang tăm tối, mắt họ bị hư, không chịu nổi ánh sáng mặt trời nữa. Cũng thế, một người sống dưới sự kìm kẹp của tội lỗi lâu ngày, sẽ từ chối hối cải và chống lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng ai có khả năng bắt mặt trời thôi chiếu sáng, nhưng bất cứ ai cũng có thể kéo cái liếp xuống, che khuất mặt trời đi.

Đức Kitô tuyên bố không ai có thể thờ ơ đối với Ngài. Vì mỗi người đều có một chút tiếp xúc cùng Ngài. Sau đó thì được tự do chấp nhận hay khước từ ảnh hưởng của Ngài. Nhưng sự khước từ đó sẽ trở nên viên đá vấp phạm, nghiền nát họ. Khi đã gặp Ngài không ai còn có thể giữ thái độ lãnh đạm. Ngài sẽ mãi mãi là một nhân tố trong hạnh kiểm của các thính giả đã nghe Ngài rao giảng. Chẳng thầy giáo nào trên thế giới dám tuyên bố, kẻ nào chối từ mình, sẽ làm cho trái tim thành chai đá và trở nên con người xấu xa hơn. Nhưng ở đây có một Tôn sư chỉ trong ba ngày nữa sẽ chết, mà dám nói những ai khước từ mình thì tâm hồn sẽ thối nát. Tin Ngài hoặc không tin sẽ thay đổi từ gốc rễ, không còn như trước nữa. Ngài đã cương quyết tuyên bố: Hoặc Ngài là viên đá, trên nó người ta xây dựng nền tảng cho cuộc sống mình, hoặc là đá vấp ngã, nghiền nát họ ra từng mảnh. Người ta chẳng thể vô tình đi ngang qua Ngài. Bởi Ngài luôn luôn hiện diện trên thế giới. Không linh hồn nào tránh nổi cái nhìn của Ngài. Một số linh hồn tưởng rằng họ cho phép Ngài đi qua mà không cần tiếp rước Ngài. Ngài gọi thái độ đó là sao lãng tai hại. Một cuộc nghiền nát chí tử không những dành cho những ai chống đối Ngài ra mặt, nhưng mà còn cho những kẻ thờ ơ, thiếu sót nữa. Chẳng nhà mô phạm nào trên thế giới dám công bố, những ai nghe mình rao giảng mà lại từ chối không tin theo sẽ gánh lấy án phạt đời đời. Ngay cả những ai tin rằng Đức Kitô chỉ là một tôn sư đơn thuần cũng sẽ tan tành dưới sức nặng của cuộc luận án vì từ chối sứ điệp của Ngài. Nhưng trước tiên, nếu hiểu chức vụ của Ngài là cứu thế, thì mọi sự thật rõ ràng cho nhân loại. Loại bỏ đấng cứu thế đồng nghĩa với loại bỏ ơn cứu độ, như Ngài đã nói trong nhà ông Giakêu. Những người chất vấn thẩm quyền của Chúa Giêsu không nghi ngờ chi về ý nghĩa tôn giáo của toàn bộ dụ ngôn. Nó có liên quan đến họ. Động lực của họ như thế đã được phơi bày và họ càng trở nên tức giận. Khi cái ác được đưa ra ánh sáng, thì không phải lúc nào cũng có hiệu qủa ăn năn. Ngược lại, thường khi là tồi tệ hơn. Người tốt khi biết lỗi mình thì thống hối, kẻ dữ lại trở nên hung hãn hơn lúc tội của họ chưa được khám phá. Triết gia Platon chủ trương rằng dốt nát không phải là nguyên nhân của sự dữ. Giáo dục cũng không phải là phương thuốc tẩy trừ cái ác. Người ta có cả hai, trí khôn và lòng muốn, kiến thức và ý định. Chân lý có thể được nhận biết rồi ghét bỏ cũng như Sự Thiện được khám phá và đóng đinh.

Thần khí của Đức Kitô trong linh hồn người ta tố giác họ về tội lỗi. Xét cho cùng, chẳng có chi ngoài Thần khí có khả năng thuyết phục nhân loại về tội lỗi. Người ta nói là lương tâm, nhưng lương tâm không làm được, bởi lẽ đôi khi nó bị ru ngủ. Ý kiến công cộng cũng không làm được, vì nhiều khi nó biện minh cho tội lỗi, hoặc hợp pháp hóa tội lỗi. Và tội nặng nề nhất mà Thần khí tố giác là không tin vào Đức Kitô chứ không phải hà tiện, dâm dục, vô độ. Chính Thần khí Thiên Chúa làm cho tội nhân không những ý thức về tình trạng linh hồn mình, mà còn thúc đẩy người ta ăn năn, thống hối khi họ bằng lòng chấp nhận ơn cứu độ.

Khước từ ơn Chúa cứu chuộc là ưa chuộng điều dữ hơn sự lành. Cây thập tự là bản lý lịch, mỗi người đọc ở đấy câu truyện đời mình, hoặc là được cứu độ, hoặc là bị trầm luân đời đời. Nếu như tội chỉ được nhìn theo quan điểm tâm lý học, thì thánh giá và cái chết của Chúa Kitô là sự phóng đại quá đáng. Nếu cát trong sa mạc, máu súc vật hoặc nước lã có thể tẩy sạch tội lỗi, cần gì phải sử dụng thập giá? Nhưng khi tội lỗi đặt dưới nhãn quan của sự Thánh Thiện vô biên, thì thập giá của Chúa Kitô là phương tiện duy nhất đền bù đầy đủ và thỏa đáng vở kịch kinh khủng của tội lỗi nhân loại.

Một khi con người đã nhận biết tình trạng tội lỗi của linh hồn mình, nó cũng thấy rõ mình không thể tự thân đạt đến nền công chính. Thì nó phải công nhận Chúa Kitô đã chịu khổ hình và chết để cứu con người khỏi tội lỗi. Tiếp theo nó phải chấp nhận Chúa Giêsu Kitô chính là sự công chính của mỗi người trên thế gian. Nhưng công nhận Chúa Kitô như nền công chính của mình và tin theo Ngài, không bảo đảm cho chúng ta tránh khỏi thử thách và đau khổ. Chúa Cứu Thế chẳng bao giờ tuyên bố với các tông đồ "Hãy trở nên hoàn thiện, rồi các con không phải đau khổ". Nhưng trong thực tế Ngài nói: "Trong thế gian này các con sẽ phải chịu đựng nhiều gian nan". Ngài cũng nói với họ: Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác nhưng tốt hơn hãy sợ Đấng có thể giết được linh hồn. Ngài nói với các tông đồ đời sống của Ngài là mẫu mực cho mọi kẻ theo mình và họ được khuyến khích đối phó với các khó khăn tệ hại nhất của thế gian với lòng can đảm và thanh thản. Ngài tuyên bố các khổ đau chỉ là cái bóng "bàn tay yêu thương của Ngài". Ngài không phải là phù thuỷ ban bùa phép chống lại các khó khăn. Ngược lại Ngài là một vị chỉ huy, xông ra mặt trận, để khuyến khích nhân loại biến đổi những đớn đau ghê gớm của cuộc đời thành mối lợi tuyệt vời cho cuộc sống thiêng liêng. Như thi sĩ Edward Shillito đã viết: "Chẳng ngẫu tượng giả hiệu nào, được miễn nhiễm khỏi đớn đau và buồn rầu thế gian, lại có khả năng an ủi chúng ta ngày nay".

Chúa Giêsu của các thương tích

Nếu chưa bao giờ tìm kiếm, hôm nay chúng con tìm kiếm Chúa đây.
Đôi mắt Ngài rực cháy trong tối tăm, là ngôi sao duy nhất của chúng con.
Nhất định chúng con phải xem thấy Ngài đội triều thiên gai nhọn.
Chúng con lựa chọn Ngài, ôi Chúa Giêsu thương tích.
Bầu trời làm chúng con khiếp sợ. Nó quá lặng yên.
Trên khắp dương gian này, chúng con chẳng có chỗ nghỉ ngơi.
Các vết thương chúng con đang đau đớn, tìm đâu được thuốc chữa?
Ôi Chúa Giêsu, thương tích của Ngài là hy vọng.
Nếu như các cửa đều đóng cả, Ngài lại tới gần.
Chỉ một mình Ngài tỏ lộ hai bàn tay, cạnh sườn.
Và ngày nay chúng con biết rõ các vết thương đó, chúng con không còn phải khiếp sợ.
Xin tỏ ra cho chúng con các thương tích của Ngài, và chúng con hiểu được mật hiệu:
Các thần khác uy dũng còn Ngài yếu ớt
Họ cưỡi ngựa tiến bước, còn Ngài lao đao vấp ngã bước lên ngôi.
Nhưng chỉ thương tích Chúa nói được với khổ đau của chúng con.
Rằng chẳng thần thánh nào có vết thương ngoại trừ Ngài.

Edward Shillito (1872-1948).

Danh hiệu: "Con Người" của Chúa Kitô có nghĩa Ngài là đại diện không những của dân tộc Do thái, dân tộc Samaria, nhưng của toàn thể nhân loại. Như chúng tôi nói ở trên. Quan hệ của Ngài với nhân loại giống như của Ađam. Ngài đã xuống thế làm người và mang lấy thân phận, bản tính nhân loại. Ngài đi vào thực tại loài người như chúng ta. Ngài đã đảm nhận bản thể nhân loại vào ngôi vị thần linh của mình. Triết gia Aristote nói: "Giả như thần linh mà yêu thích dính líu vào công việc của nhân loại, thì điều họ lấy làm thỏa mãn nhất, là nhìn thấy những gì giống hệt bản tính của họ". Như vậy hàm ý các thần thánh vẫn có chút kỳ thị, chê ghét loài người trong thâm tâm họ. Do đó dân tộc Hy lạp chủ trương rằng các biểu hiện của thần linh mang tính: quá cao sang để mà tôn thờ, quá siêu việt để mà yêu mến. Nhưng con người Đức Kitô không phải vậy, mà là ngược lại: "Ngài đến nhà của Ngài" Đấng thánh hóa phải nên một với các kẻ được thánh hóa. Sự cách biệt về tính chất giữa hai bên đòi hỏi phải hợp nhất trong một khía cạnh nào đó.

Phải có điểm tiếp xúc chung của bên này với bên kia và ngược lại. Người giống anh em mình sẽ có quyền lực trên anh em hơn là không giống. Do đó, để có thể trở nên Đấng thánh hóa, Chúa chúng ta đã là một người giống anh em nhân loại của mình. Ngài sẽ biến đổi họ thành thánh thiện bằng cách thiết lập trong đời mình cái mẫu hình lý tưởng mà loài người đã làm mất, rồi in nó vào tâm trí họ.